Bài viết trên báo tuoitrethudo.vn của tác giả Nguyên Pháp
TTTĐ – Với hàng loạt hoạt động, chương trình, “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh” đã đọng lại trong lòng người dân và du khách với nhiều cảm xúc, những ấn tượng riêng biệt, khó phai.
Biểu tượng của Thủ đô Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh |
Sắc son với Hà Nội
Ngay từ khi thông tin về chương trình được công bố, nhiều người đã rất tò mò. Bởi đây là lần đầu tiên một Hà Nội nghìn năm văn hiến được mang vào phương Nam để giới thiệu, quảng bá và để gần hơn, hiểu hơn…
Không phải tự nhiên trong những ngày đầu thi công các hạng mục phục vụ chương trình, nhiều người đã không chú ý mấy. Lý do cũng bởi phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1 đã quá quen thuộc với việc tổ chức các chương trình, hoạt động.
Khi những Khuê Văn Các, Hoàng thành – Thăng Long, Làng cổ Đường Lâm, cầu Long Biên, Tháp Bút, cầu Thê Húc, chợ Đồng Xuân, các biển hiệu phố phường, những khung cửa sổ, những ngôi nhà mang gam màu và kiến trúc đặc trưng… mọi người mới chợt nhận ra – Hà Nội.
Khuê Văn Các được thiết kế to bản, là biểu tượng cho tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo của người dân Thủ đô |
Những buổi dạo phố, những lần check-in với Hà Nội giữa lòng thành phố phương Nam cũng bắt đầu hút khách.
Người dân thành phố, du khách trong và ngoài nước, từ tò mò đến thích thú và chờ đợi các công trình hoàn thiện.
Chị Minh Thư (trú tại Quận 1), sống cách phố đi bộ khoảng 1km cho biết, ngày nào cũng lân la qua đây, chủ yếu thăm các công trình xem xong chưa để chụp ảnh.
“Mình ở Bình Dương mới chuyển về đây sống hơn năm. Thú thật chưa đi Hà Nội bao giờ nhưng nhìn những chi tiết thi công còn dang dở, mình nhận ra phải liên quan Hà Nội. Đúng là Hà Nội, là Thủ đô thật còn gì. Biết Hà Nội qua hình ảnh, sách báo, tivi, intenet nhưng thấy và chạm đến chân thật như mấy hôm nay thì thú vị hơn gấp bội”, chị Thư chia sẻ.
Những hình ảnh thân thương, đậm chất Hà Nội |
“Mình nắm hết nội dung của chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh” vì chưa đi Hà Nội mà. Cũng muốn một lần đặt chân ra đó thăm Lăng Bác, đi cho biết Hồ Gươm, Hồ Tây, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long… nhưng vì nhiều lý do nên minh chưa đi được”, anh Hoàng (trú tại quận Tân Phú) phấn khởi nói.
Cũng theo anh Hoàng, anh đã dẫn gia đình đi tham quan chương trình, thưởng thức hầu hết các đặc sản như cốm, bánh trung thu, trà sen, bún ốc; dự lễ khai mạc, bế mạc hoành tráng; tham quan các triển lãm Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám; triển lãm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại khu vực mô hình cầu Long Biên; trải nghiệm mua sắm không gian sản phẩm làng nghề như nón làng Chuông, quạt làng Vác, lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái, mây tre đan Phú Vinh, gốm sứ Bát Tràng …
Triển lãm chủ đề về Hoàng thành Thăng Long |
“Đặc biệt, con mình thích triển lãm chủ đề “Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Ươm mầm khát vọng hiền tài”. Khi nghe Văn Miếu – Quốc Tử Giám và chữ hiền tài, con mình thích và đòi đi ngay rồi. Cháu thích lịch sử, văn hóa mà Hà Nội nghìn năm văn hiến thì còn gì bằng”, anh Hoàng chia sẻ.
Không gian sạp báo đặc trưng Hà Nội thu hút giới trẻ check-in |
Giá trị ghi dấu
Những ngày này, trong không khí mùa Thu của Cách mạng tháng Tám và 79 năm Quốc khánh (2/9/1945 – 2/9/2024); 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025); hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954 – 10/10/2024), tuổi trẻ TP Hà Nội và tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh lại có dịp giao lưu trong chương trình nghệ thuật “Giai điệu trẻ” trong khuôn khổ “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh”.
Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa và đặc biệt, không chỉ góp phần quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng, di sản nghìn năm văn hiến của Thủ đô đến người dân thành phố mang tên Bác mà còn là dịp để tuổi trẻ hai thành phố giao lưu, học hỏi lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết, tiếp tục phát huy truyền thống kết nghĩa giữa hai thành phố.
Tiết mục văn nghệ tại chương trình nghệ thuật “Giai điệu trẻ” |
Thành đoàn Hà Nội và Thành đoàn TP Hồ Chí Minh đều có bề dày truyền thống cách mạng và thành tích đáng tự hào trong phong trào thanh thiếu nhi của cả nước.
Ngược dòng lịch sử, cách nay hơn nửa thế kỷ, hàng vạn học sinh, sinh viên miền Nam đã xuống đường đấu tranh chống đế quốc và bọn tay sai.
Cũng trong giai đoạn ấy, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn khốc liệt, hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”, hơn một vạn thanh niên Thủ đô đã hăng hái xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, vì Miền Nam ruột thịt. Với ý chí “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai” đã thắp sáng ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng của thanh niên Thủ đô, sát cánh cùng thanh niên Sài Gòn – Gia Định.
Trong lứa tuổi thanh xuân ấy, có người đã nằm xuống, có người ở lại. Người nằm xuống để đất nước độc lập, tự do; người ở lại bảo vệ hòa bình, dựng xây đất nước. Bây giờ họ đã là những cựu chiến binh, lão thành cách mạng.
Du khách nước ngoài ấn tượng và ghi lại những hình ảnh của chương trình |
Để tri ân những công lao, những cống hiến của các bậc đi trước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân hai thành phố đã có những hoạt động thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, truyền thống uống nước nhớ nguồn.
Theo đó, trong khuôn khổ “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh”, UBND hai thành phố đã tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho 70 gia đình chính sách, người có công tiêu biểu của TP mang tên Bác; đặc biệt trong đó có hai Mẹ Việt Nam anh hùng, 9 cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia giải phóng Thủ đô.
Đây là những gia đình, những người đã đóng góp xương máu trong công cuộc giải phóng Thủ đô, giải phóng dân tộc, đồng thời góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh giàu đẹp như hôm nay.
Song song đó, Thành đoàn Hà Nội và Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã trao tặng 30 suất học bổng (mỗi suất 3 triệu đồng) cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của TP Hồ Chí Minh.
Hoạt động thể hiện tinh thần sẻ chia, trách nhiệm chăm lo cho thế hệ trẻ – thế hệ làm chủ tương lai đất nước, qua đó ghi đậm “Dấu son Hà Nội” với tinh thần nghìn năm văn hiến trong lòng Nhân dân thành phố mang tên Bác.
Người dân vẫn luyến tiếc, muốn kéo dài thêm những ngày Hà Nội tại thành phố này và mong lắm chương trình sớm ngày tái ngộ.
Nguồn: https://tuoitrethudo.vn/du-vi-cua-nhung-ngay-ha-noi-tai-tp-ho-chi-minh-257588.html