Bài viết trên sovhtt.hanoi.gov.vn của tác giả Thanh Mai
Chiều 02/12, trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2023, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức tọa đàm Phát huy nguồn nhân lực- phát triển văn hóa ẩm thực trên địa bàn Hà Nội.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng Hà Nội cần có nhận thức đúng trong việc định vị, xây dựng kế hoạch khai thác, đầu tư phát triển ẩm thực xứng tầm. Cụ thể, Hà Nội cần có các tuyến phố ẩm thực, tuyến phố ăn đêm trong khu vực phố cổ, phố cũ, khu đô thị; Tạo dựng không gian và chuỗi các nhà hàng ẩm thực xung quanh hồ Tây. Việc tổ chức tọa đàm lần này, với sự góp mặt của nhiều chuyên gia về lĩnh vực ẩm thực sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia phát triển ngành công nghiệp văn hóa; từng bước xây dựng và khai thác có hiệu quả thương hiệu văn hóa, ẩm thực, du lịch, đưa ẩm thực ngày càng trở nên tinh túy, đặc sắc và chất lượng.
Tọa đàm diễn ra với 2 chủ đề chính, gồm: “Đại sứ Văn hóa ẩm thực: Chủ nhân và thực khách” và “Tinh hoa văn hóa ẩm thực Hà Nội: Hướng tới công nghiệp văn hóa”.
Ẩm thực Hà Nội từ xưa đến nay luôn có sự phong phú, đa dạng và tinh tế. Khắp phố phường, ở đâu cũng có thể thấy những món ăn, đặc sản gắn liền với mảnh đất Hà thành, như: phở Lý Quốc Sư, phở Thìn…; bún ốc hồ Tây, Hàng Khoai; bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, giò chả Ước Lễ…
Hà Nội cũng có những tuyến phố ẩm thực được nhiều người biết đến như Tạ Hiện, Mã Mây, Đồng Xuân, Cầu Gỗ, Cấm Chỉ, Tống Duy Tân…, danh mục đặc sản ở Hà Nội vô cùng đa dạng. Có những đặc sản bắt nguồn từ mảnh đất Tràng An. Có những đặc sản xuất xứ từ địa phương khác nhưng được người Hà Nội chế biến theo phong cách của mình, bởi thế những đặc sản này có hương vị riêng, chuyển tải nét văn hóa riêng có của Hà Nội.
Những năm gần đây, Hà Nội nhiều lần được các cơ quan truyền thông lớn, những diễn đàn du lịch danh tiếng trên thế giới vinh danh là nơi có nền ẩm thực đặc sắc hàng đầu thế giới cũng như châu lục. Đó là cơ sở để Hà Nội phát huy giá trị ẩm thực trong phát triển công nghiệp văn hoá.
Ở chủ đề thứ nhất, các chuyên gia về ẩm thực đã cùng trao đổi, thảo luận về những chủ nhân làm nên bữa tiệc, đó là vai trò của những người đầu bếp, những người sáng tạo bậc nhất làm nên tên tuổi của những món ăn. Theo đó, phải làm sao để đội ngũ đầu bếp có thể đại diện cho văn hóa ẩm thực Hà Nội, cần có chính sách gì để phát triển đội ngũ “đại sứ” này? có nên giữ nguyên gốc những món ngon Hà Nội? Và những chủ nhân mới của ẩm thực Hà Nội sẽ là ai?…
Với những ý kiến trao đổi thú vị đến từ ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Tổng Thư ký Liên Chi hội Đầu bếp Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thị Anh Quyên, Trưởng bộ môn Chính sách văn hóa và Quản lý Nghệ thuật, khoa Quản lý Văn hóa Nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; Nghệ nhân Nhân dân lĩnh vực ẩm thực Ánh Tuyết; TS. Phạm Mạnh Cường, Trưởng khoa chế biến món ăn, Trường Cao đẳng du lịch Hà Nội, ẩm thực Hà Nội, những câu hỏi trên đã lần lượt được giải mã để ẩm thực Hà Nội có lối đi riêng cho mình.
Ở góc độ người thưởng thức- những thực khách đặc biệt, Nghệ sĩ Thanh Hương và nhà sáng tạo nội dung, MC Việt Anh Pí Po trong vai trò đại sứ đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc quảng bá ẩm thực Hà Nội đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.
Ở chủ đề thứ hai: “Tinh hoa văn hóa ẩm thực Hà Nội, Hướng tới công nghiệp văn hóa”, các chuyên gia đã cũng thảo luận về mối liên hệ giữa ẩm thực và công nghiệp văn hóa; việc định vị food tour Hà Nội với lối đi riêng, việc tôn vinh ẩm thực Hà Nội ở những chuỗi khách sạn 5 sao và Hà Nội cần làm gì để gắn kết giữa văn hóa ẩm thực và du lịch.
Giải đáp những vấn đề này, PGS.TS Phạm Quỳnh Phương, Giảng viên cao cấp, Trưởng Bộ môn công nghiệp văn hóa và sáng tạo, Khoa các khoa học liên ngành- Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: Ẩm thực Hà Nội là một phần trong bản sắc tổng thể của thành phố như một thành phố sáng tạo. Nhưng hơn thế nữa, chúng ta đang chứng kiến sự giao thoa giữa ẩm thực và công nghiệp văn hóa và khả năng thích ứng của các truyền thống với bối cảnh đương đại. Ẩm thực đã và đang trở thành một phương tiện hữu hiệu để biểu đạt văn hoá đa dạng của Hà Nội, có khả năng khơi gợi cảm xúc và tạo ra những trải nghiệm được chia sẻ, đã củng cố vị trí của nó trong hệ sinh thái của các ngành công nghiệp văn hóa”.
Cùng quan điểm trên, TS. Đặng Phương Anh, Giảng viên khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn khẳng định: “Để các giải pháp phát triển mang lại hiệu quả, cần có sự tham gia của các Tổ chức hiệp hội và đẩy mạnh hoạt động của hiệp hội nghệ nhân ẩm thực. Đồng thời, cần tăng cường liên kết giữa các bên liên quan: quản lý nhà nước – doanh nghiệp du lịch – chủ nhân di sản – người dân địa phương”. Cùng với đó là ý kiến của cô Nguyễn Thị Hiền đến từ cơ sở ẩm thực nổi tiếng Quán Bún ốc Bà Ngoại và quản lý khách sạn Deawoo.
Tại buổi toạ đàm, các chuyên gia cũng đã đề xuất nhiều giải pháp đối với nhà quản lý. Theo đó, để ẩm thực trở thành nguồn lực phát triển công nghiệp văn hoá, Hà Nội cần quan tâm đến nhân lực ngành ẩm thực, các điều kiện về hành lang pháp lý cũng như nét văn hóa riêng biệt… để tạo dấu ấn cho du khách trong nước và quốc tế.
Nguồn: http://sovhtt.hanoi.gov.vn/dua-am-thuc-ha-noi-tro-thanh-nguon-luc-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa/