Bài viết trên báo nguoihanoi.vn của tác giả Yến Ly

Chiều 2/12, tại Công viên Thống Nhất, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Phát huy nguồn nhân lực – phát triển văn hóa ẩm thực trên địa bàn Hà Nội”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội 2023.

Tới dự buổi tọa đàm có ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội; các nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực trong nước và quốc tế; đại diện lãnh đạo các sở ngành, phòng văn hóa – thông tin các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội; đại diện các đại sứ quán, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Hà Nội; đại diện các hội/ hiệp hội/ câu lạc bộ ẩm thực tại Hà Nội cùng đông đảo nhân dân.

05.jpg
Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội cho biết, ẩm thực Hà Nội đã đạt được những tiêu chí về danh tiếng, nguồn gốc, cách lựa chọn nguyên liệu, phương thức chế biến, cách thưởng thức và không gian thưởng thức. Do vậy, những nét đặc trưng nổi bật của văn hóa ẩm thực Hà Nội không chỉ là điểm nhấn quan trọng trong hành trình phát triển mà còn mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của Thủ đô.

Đa số khách du lịch đến với Hà Nội, đặc biệt là du khách quốc tế đã đánh giá ẩm thực Hà Nội là điểm hấp dẫn nhất. Hà Nội đã có đủ điều kiện để trở thành một trong những trung tâm ẩm thực của Đông Nam Á và châu Á. Nhưng lâu nay ẩm thực vẫn chỉ được nhìn nhận như một ngành tiêu dùng mà bị bỏ lỡ giá trị về hồn thiêng sông núi, là yếu tố góp phần bảo tồn phát triển văn hóa Việt.

08.jpg
Ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội phát biểu tại tọa đàm.

Hiện có rất nhiều cuộc thi về ẩm thực tại Hà Nội nhưng chỉ dừng lại ở góc độ chưa chuyên sâu, chưa tạo ra được những giá trị văn hóa lớn để phát triển. Hà Nội đã có các tuyến phố ăn đêm, các khu phố ẩm thực ở đa dạng không gian từ các khu phố cổ, phố cũ đến các khu dân cư mới. Nhưng làm sao để khai thác được những giá trị tinh hoa của ẩm thực Hà thành?

Tại tọa đàm, các khách mời đã đưa ra những góc nhìn khác nhau xoay quanh 2 chủ đề chính: “Đại sứ văn hóa ẩm thực Hà Nội: Chủ nhân và thực khách” và “Tinh hoa văn hóa ẩm thực Hà Nội: Hướng tới công nghiệp văn hóa”.

Theo nhận định của giới chuyên môn, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, ẩm thực Hà Nôi phong phú, đa dạng từ nguyên vật liệu, cách chế biến. Nhiều món ăn đã trở thành thương hiệu của Thủ đô như: phở Lý Quốc Sư, bún ốc Hồ Tây, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, giò chả Ước Lễ, cốm Làng Vòng, xôi chè Phú Thượng… Hà Nội cũng có những tuyến phố ẩm thực được nhiều người biết đến như: Tạ Hiện, Đồng Xuân, Cầu Gỗ, Tống Duy Tân…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc khai thác ẩm thực trong phát triển công nghiệp văn hóa chưa xứng với tiềm năng. Bởi thế rất cần có những giải pháp để phát huy những giá trị ẩm thực Hà thành như: chú ý đến không gian văn hóa, sự tương tác với chủ nhân của món ăn, phát triển foodtour thành sản phẩm du lịch ẩm thực đặc thù, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ khâu đào tạo tại các trường dạy nghề; chú trọng vai trò của những nghệ nhân trong việc lưu giữ, trao truyền tinh hoa ẩm thực để mỗi người dân, khách du lịch hiểu được nét đẹp, thưởng thức những nét đẹp của ẩm thực Hà thành…

Theo ông Arther Andrew – Giám đốc F&B của khách sạn Deawoo Hà Nội, với lượng khách lớn và tệp khách rộng của khách sạn, các đầu bếp cần linh hoạt chế biến và thêm bớt gia vị cho các món ăn truyền thống theo yêu cầu của thực khách. Cách chọn nguyên liệu tươi của vùng bản địa sẽ giữ chất đặc sản cho món ăn.

Theo nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Hiền – chủ thương hiệu “Bún ốc Bà Ngoại”, chất truyền thống, bản sắc ẩm thực nên được giữ bằng cách người chế biến vẫn giữ công thức và gia vị cũ. “Bản sắc đậm đà nhất của một món ăn chính là ở việc nó được nguyên vị. Tôi sẽ chiều ý thực khách bằng cách để riêng các lọ gia vị mà khách thi thoảng hỏi để ai cần thì tự thêm vào bát của mình. Như thế, thực khách vừa được trải nghiệm món ăn nguyên vị, vừa được thử xem nếu món ăn bản địa mà chế biến bằng gia vị của vùng khác thì sẽ như thế nào”, nghệ nhân Nguyễn Thị Hiền nhấn mạnh.

01.jpg
Đại diện Ban Tổ chức tặng hoa tri ân các nghệ nhân ẩm thực, các vị khách mời.

“Cần nghiên cứu, xây dựng kế hoạch khai thác, đầu tư, phát triển ẩm thực một cách bài bản sao cho xứng tầm Thủ đô qua đó góp phần xây dựng thương hiệu, điểm đến Hà Nội trong lòng bạn bè du khách trong nước và quốc tế”, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội nhấn mạnh./.

Nguồn: https://nguoihanoi.vn/phat-huy-nguon-nhan-luc-phat-trien-van-hoa-am-thuc-tren-dia-ban-ha-noi-79739.html